Menu

Các trò chơi thú vị bố có thể dạy con

Hãy chơi ngoài trời càng nhiều càng tốt: Hai bố con cùng đi trên gờ vỉa hè, trèo cây, đi bơi, đá bóng, đánh cầu lông, trượt patin, đạp xe đạp, thả diều...

Một ông bố đã hỏi tôi: “Chị ơi, làm thế nào để chơi với con ạ?”. Một ông bố quá thông minh. Đó là vì bố không hỏi “Làm thế nào để dạy con ạ?”. Rất nhiều bố mẹ quên mất một điều, trẻ học ở trường cả ngày, mệt quá rồi, học từ sáng đến chiều nên khi về là thời gian chơi. Với trẻ, chơi càng nhiều càng tốt. Nhưng chơi với con thế nào là cả một nghệ thuật và có những nguyên tắc bạn cần làm theo vì bạn phải tự đặt mình vào vị trí của con để hiểu con thích gì, cần gì và cái gì phù hợp với độ tuổi của bé.

Khi bé đang không làm gì, hãy rủ bé chơi cùng. Nếu bé đồng ý thì hai bố con cùng chơi, nếu bé không thích thì phải tôn trọng quyền của bé. Có thể bé có một kế hoạch khác sẵn sàng rồi. Đừng nghĩ trẻ không biết quyết định. Nếu bé không bận hãy hỏi câu hỏi mở “Con thích hai bố con mình chơi trò gì bây giờ?” và để bé tự chọn.

Chọn trò chơi cần hai người. Nghe tưởng buồn cười, nhưng những hoạt động cần một người như khi bé vẽ, tô tranh, tự đọc sách, chơi đàn... thì bố không nên ngồi cạnh canh xem con làm thế nào. Cũng giống như khi bạn làm việc, bạn không muốn bị ai theo dõi. Bé cũng vậy.

father-and-daughter-eKKVu-2160-7223-6745

Ảnh minh họa: Instablog.com.

Trẻ hai tuổi trở lên đã có thể đi bộ được 2 km và cần được luyện tập như thế để phát triển thể chất. Hướng dẫn con chơi các trò chơi dân gian như chi chi chành chành, chơi chuyền, chơi ô ăn quan, chơi bắn bi, bịt mắt bắt dê... Những trò chơi này không tốn kém, lại rất vui trong những ngày phải ở trong nhà.

Giới thiệu cho con những bản nhạc, bài hát mình yêu thích, đương nhiên là có chọn lọc, hai bố con nằm nghe nhạc với nhau. Bố kể cho con nghe những kỷ niệm gắn với những bài hát đó. Cùng con làm các nhạc cụ tự tạo rồi rủ mẹ vào ban nhạc cây nhà lá vườn. Hoặc chỉ đơn giản là bật nhạc và cả nhà cùng nhảy múa.

Đọc sách cho con nghe là trải nghiệm tuyệt vời cho cả bố và con. Hai bố con cùng đi mua sách, hướng dẫn con chọn sách có ảnh chụp thật, nội dung phù hợp với lứa tuổi, chỉ cho con xem giá tiền, để con tự trả tiền.

Hướng dẫn con làm những thí nghiệm khoa học phù hợp với độ tuổi, nhưng không bao giờ giải thích mà để trẻ tự khám phá như làm cầu vồng bằng đĩa CD chiếu lên tường nhà cho con đuổi cầu vồng. Tại sao khi bố quay đĩa sang chỗ khác thì lại không có cầu vồng? Xay sinh tố cho vào tủ làm kem. Tại sao bây giờ bố rót mà kem lại không chảy nhỉ? Hòa muối vào nước để làm "biển Chết" và mọi thứ lúc trước chìm thì bây giờ nổi. Sao thế nhỉ? Chuyện gì đã xảy ra? Để bé tự suy nghĩ.

Nếu bé thích, cho bé tự nghiên cứu cái xe đạp của mình, gọi tên các bộ phận, lật ngửa xe xem xích xe, phanh hoạt động thế nào. Hai bố con cùng rửa xe đạp, xe máy, ôtô. Không phải vì tiếc tiền mà bạn đang tạo công ăn việc làm đồng thời trang bị một vốn từ kha khá cho bé qua việc đó. Vừa vui vừa là việc thật.

Trời nắng nóng, bơm bể vầy, bật nhạc, pha một bình nước chanh, mang đồ chơi nước thả hết vào bể, hai bố con cùng tận hưởng bể bơi riêng nhà mình. Đố con biết tại sao nước làm tuốc bin quay? Tại sao lúc thì tuốc bin quay nhanh, lúc thì quay chậm? Con thử ước lượng xem mấy cốc nước mới đầy cái chai rỗng này? Đố con biết cốc nào đựng được nhiều nước hơn. Đố con biết những con gì sống ở dưới nước? Con gì sống ở nước mặn? Con gì sống ở nước ngọt? Tại sao nước biển lại mặn? Nước con đang bơi là nước lấy từ đâu?

Thỉnh thoảng để con thức khuya, cùng con ngắm trăng sao, nhất là những đêm rằm. Đi dạo dưới ánh trăng rằm là một điều kỳ diệu. Kể cho con nghe về các hành tinh, về các ngôi sao, về mặt trăng, mặt trời. Tại sao có hôm mình nhìn thấy nhiều sao có hôm không? Trăng khuyết trăng tròn là vì lý do gì? Kể về những con tàu vũ trụ đang ở trên không trung, và giúp con hiểu trái đất thật là bé nhỏ trong vũ trụ bao la, có thể đâu đó có những nền văn minh khác chỉ là chúng ta chưa biết hết thôi, con yêu.

Thỉnh thoảng hai bố con rủ thêm bạn đến nhà và cắm trại giữa phòng khách. Ăn trong lều, ngủ trong lều, chơi trong lều. Kể cho con nghe về các bộ lạc luôn sống trong lều. Lều của họ làm bằng gì, họ sống ở đâu, nguy hiểm thế nào? Các em bé ở đó phải vất vả ra sao để đi lấy nước, lấy củi, săn bắn, hái lượm, cho con xem hình ảnh minh họa trên máy tính.

Dành một ngày trong tuần là thời gian chỉ có hai bố con đi picnic, đi câu cá, đi thăm một ngôi chùa, đi xem phim và ăn bỏng ngô, sưu tầm cái gì đó ví dụ cánh phượng các màu và chỉ cho con xem sự khác biệt giữa các sắc đỏ. Làm con quay bằng đài hoa bằng lăng, đi sờ ve, chèo thuyền ra đầm mua sen, làm thuyền lá sen, đếm cánh hoa sen rụng, xếp cánh hoa theo trật tự từ nhỏ đến lớn...

Cứ như thế, bất cứ cái gì xung quanh cũng đều có thể biến thành trò chơi thú vị trong mắt trẻ nếu bố hiểu và dành thời gian cho con mình, giúp con học kiến thức của nhân loại một cách đơn giản nhất có thể mà lại chẳng tốn kém. Nếu bạn làm như thế trong suốt những năm trẻ 0-6 tuổi, bạn đã giúp con tích góp được một vốn kiến thức khổng lồ, sẵn sàng cho việc học sau này. Như thế không một em bé nào sẽ chán học.

Lê Mai Hương
Giáo viên Montessori

Nguồn Vnexpress

Các bài viết khác
https://goo.gl/maps/rwB6ZbZWj7SagpQM7