Menu

Con lên ba mà chỉ nói được vài từ, phải làm gì

Cháu nhà tôi năm nay lên 3 tuổi. Cháu rất chậm nói, hiện chỉ phát âm được vài từ như bà, chú, thím... Khi nào thích, cháu mới nói. 

Cháu rất nghịch nữa. Hồi đầu năm, tôi đã cho cháu đi khám ở bệnh viện Nhi Trung ương. Bác sĩ bảo cháu bị chớm tự kỷ. Tôi rất lo lắng và mệt mỏi vì nhiều đứa trẻ lên 3 tuổi biết rất nhiều thứ, trong khi con nhà mình nhận biết rất hạn chế. Tôi phải làm gì? (Đức)

Ảnh: The Cut.

Ảnh: The Cut.

Trả lời

Thông thường khoảng 16 tháng tuổi, trẻ đã có thể nói tốt từ đơn và nói đúng hoàn cảnh, đặc biệt là những điều quen thuộc xung quanh: cơm, cá, nhà, mẹ, ba, bà... Nhiều trường hợp 11, 12 tháng tuổi, trẻ đã nói đạt được mức độ này.

Chỉ xét riêng yếu tố ngôn ngữ, bé nhà bạn đã khá chậm so với các trẻ cùng lứa tuổi. Bình thường 3 tuổi, trẻ đã có thể giao tiếp tương đối thành thục, gần như không gặp nhiều khó khăn khi giao tiếp cơ bản với một người trưởng thành.

Tôi không biết sau khi đưa cháu đi khám ở Viện Nhi Trung ương, gia đình đã có giải pháp nào hỗ trợ hay liệu có gửi cháu đến trường lớp (thường hoặc can thiệp) nào không? Vì nếu được các chuyên viên tâm lý, giáo dục đặc biệt hay âm ngữ trị liệu... hỗ trợ thì cháu có thể cải thiện được vấn đề ngôn ngữ so với việc chỉ sinh hoạt trong gia đình.

Về việc cháu “chớm tự kỷ” hoặc có tự kỷ hay không cần được kiểm tra bởi các nhà chuyên môn về tâm lý, giáo dục đặc biệt... để có kết luận rõ ràng. Tuyệt đối không quá tin tưởng vào nhìn nhận của những người không có chuyên môn, không tiếp xúc, kiểm tra, đánh giá trực tiếp trên trẻ kết hợp phỏng vấn người nhà. Khi chúng ta gọi đúng tên vấn đề mới mong có cách can thiệp phù hợp. Gia đình hết sức chú ý và không nên lơ là, vì thời gian càng chậm trễ, con càng lớn, vấn đề càng khó cải thiện, trẻ càng thiệt thòi. Đặc biệt, trẻ đi học mầm non, vào lớp một sẽ gặp không ít khó khăn trong giao tiếp, hòa nhập với các bạn, dẫn đến những hệ quả không tốt cho sự phát triển nhận thức, nhân cách của trẻ sau này.

Cuối cùng, nếu bạn nhận thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường như: mất ngôn ngữ, nhón chân, một số hành vi lặp đi lặp lại, kém giao tiếp mắt, sợ một âm thanh nào đó, thường xếp đồ chơi theo hàng ngang, chỉ chơi một mình, khó tuân theo luật chơi, nhạy cảm về cảm giác/cảm xúc... thì cần đến các phòng khám tâm lý, trung tâm tâm lý, giáo dục đặc biệt, bệnh viện có khoa Tâm lý để thăm khám và có biện pháp hỗ trợ càng sớm càng tốt.

Giai đoạn 3 - 5 tuổi là giai đoạn phát cảm ngôn ngữ của trẻ con, tức là giai đoạn hình thành và phát triển ngôn ngữ nổi bật nhất để một người hoàn thiện khả năng nghe, hiểu, tiếp thu và biểu đạt ngôn ngữ. Chúc gia đình sớm tìm được câu trả lời cho vấn đề của cháu.

Thạc sĩ Lê Minh Huân
(Giảng viên Khoa Tâm lý, Đại học Sư phạm TP HCM)

Các bài viết khác
https://goo.gl/maps/rwB6ZbZWj7SagpQM7