Trong hội thảo “Làm sao để trẻ tự lập” vừa được tổ chức tại Hà Nội, bà Chiristine Munn chia sẻ, thực tế người lớn thường không nhận ra trẻ con từ 2 tuổi đã khao khát tự mình làm mọi việc. Theo quan sát của bà, những câu trẻ 2 tuổi thường nói bên cạnh các từ “bố”, “mẹ”, “không” là “Con có thể tự làm được”, “Để con tự làm”...
Dựa trên kiến thức về sự phát triển của trẻ cũng như quá trình giáo dục trẻ ở trường mầm non, chuyên gia này khẳng định trẻ em 2 tuổi đã có thể tự lập ở 4 lĩnh vực cơ bản trong cuộc sống: ăn, ngủ, đi vệ sinh và tự mặc quần áo. Bà chia sẻ những bức ảnh thực tế ở Mỹ bé 2 tuổi có thể rót sữa từ một chiếc bình lớn và tự uống; bé 3 tuổi có thể tự cắt chuối, táo và tự làm một bữa ăn đơn giản… Thực tế, các con của nhà giáo dục này từ 5-6 tuổi đã có thể tự dậy, chuẩn bị đồ ăn sáng cho mình (bữa sáng đơn giản với bánh mì, ngũ cốc, sữa) và thậm chí phục vụ bố mẹ tận giường…
“Không thể tin được”, “làm sao con tôi có thể tự làm được việc đó?”, “tại sao ở trường con tự làm mọi thứ mà ở nhà con không thể làm việc gì?”… là những câu hỏi giáo viên trường bà thường gặp từ phụ huynh, cũng là một thực tế mà nhiều cha mẹ Việt băn khoăn. Theo bà Chris, vấn đề nằm ở chỗ người lớn thường làm hộ, ngăn cản trẻ con khi chúng đòi làm việc gì đó. “Chúng ta yêu thương con và muốn làm mọi điều tốt đẹp cho con, nhưng chúng ta không thể đi cùng chúng cả đời. Do vậy, hãy để trẻ tự làm”, bà nói.
Ảnh minh họa: Toddlerhub.com. |
Nhiều phụ huynh lo lắng khi trẻ đến trường Montessori được sử dụng kéo, dao (loại dao nhỏ phù hợp, an toàn cho trẻ em) để cắt đồ ăn. Họ thường hỏi: “Lỡ trẻ cắt đứt tay thì sao?”. Các giáo viên trả lời: “Cũng có trường hợp cắt phải tay, nhưng chỉ xây xước tí thôi, không nghiêm trọng. Đây chính là cách chúng ta học. Người lớn cũng thế, có ai chẳng một vài lần bị đứt tay. Chúng sẽ học sử dụng dao một cách khéo léo hơn. Và quả thật, thường các em chỉ cắt phải tay một lần”.
Khi nhìn vào danh sách việc trẻ có thể tự làm và bức ảnh làm việc thực tế của trẻ em, một phụ huynh đặt câu hỏi: Rất nhiều cha mẹ Việt vẫn đút cho con ăn, rót nước cho con uống, mặc quần áo, đi giày cho con…, thậm chí tới lúc con 5 tuổi, vẫn dọa nạt, dụ dỗ để đút từng thìa cơm, có phải chúng tôi đang là vật cản của con?
Một phụ huynh khác có con 4 tuổi chia sẻ, đã làm hộ con mọi thứ từ nhỏ đến giờ, hiện nay con chẳng chịu làm bất cứ việc gì, làm sao để con tự lập trở lại? “Hãy bắt đầu từ những việc mà con thích, làm từng việc một. Hãy thử cách làm cho việc đó thú vị. Chẳng hạn cha mẹ có thể đổ nước vào một bình nhỏ, cho con tự rót ra cốc. Trẻ em thường rất hào hứng với việc đó”.
Tư duy lại về việc “dạy con tự lập”
Dạy con tự lập là một chủ đề nóng, được nhiều cha mẹ quan tâm trong những năm gần đây. Những chủ đề như người Mỹ dạy con tự lập như thế nào, làm sao trẻ con Pháp, Đức có thể tự chủ, tự tin như vậy… là thông tin được tìm kiếm và trao đổi nhiều trên các diễn đàn và báo mạng.
Nhà giáo dục Maria Montessori đã khẳng định, trẻ em tự phát triển. Trẻ 0-6 tuổi có trí tuệ thẩm thấu, khả năng học hỏi kỳ diệu từ môi trường, như một miếng bọt biển có thể thấm hút mọi thứ xung quanh mình. Chỉ cần cung cấp một môi trường an toàn, hỗ trợ, với những đồ đạc vừa kích cỡ, các dụng cụ thực hành mời gọi trên giá, trẻ sẽ háo hức tự mình làm mọi thứ.
Những quan sát và trải nghiệm của bà đã và đang được chứng minh ở các trường học Montessori. Khi được ở trong môi trường phù hợp, với đầy đủ vật dụng, trẻ sẽ tự lấy đồ dùng học tập, tự cất vào giá khi sử dụng xong, tự lau dọn bàn ghế và phòng học, tự đi vệ sinh, mặc quần áo, đi giày và các hoạt động thực hành cuộc sống khác…
Cũng tương tự như vậy, để trẻ có thể tự lập, việc của bố mẹ không phải là giảng dạy hay ép buộc, mà chìa khóa nằm ở chỗ: Tạo ra môi trường để khuyến khích mời gọi trẻ tự làm - vốn dĩ là nhu cầu lớn lao của các em bé 2-3 tuổi.
“Khi tự làm thành công một việc gì đó, trẻ sẽ tự tin vào chính mình, có hình ảnh bản thân tốt đẹp, cảm thấy mình có giá trị, khi lớn lên trẻ sẽ tự chủ, có khả năng để đối phó với những thách thức của cuộc sống”, bà Christine Munn nói.
Một yếu tố khác mà nhà giáo dục này nhắc đi nhắc lại là sự kiên nhẫn của bố mẹ. “Trẻ con chân ngắn hơn chúng ta, bước chậm hơn chúng ta. Thay vì bế để con đi nhanh hơn, bố mẹ hãy đi chậm lại. Lúc đầu làm việc gì, con cũng sẽ vụng về, lóng ngóng, nhưng dần dần con sẽ tự làm được", bà nói.
Những gợi ý cụ thể để trẻ tự lập:
- Nếu trẻ có thể tự đi, không bế.
- Cho con thấy cách bố mẹ lau dọn và để con tự làm.
- Nếu có thể, hãy chuẩn bị cho con những đồ đạc, dụng cụ vừa cỡ: Để nước ở nơi con có thể tự rót được, chuẩn bị giẻ lau sặc sỡ để con yêu thích việc lau chùi bàn ghế, để quần áo ở nơi con có thể tự lấy được, mua quần áo đơn giản, dễ mặc vào cởi ra để con có thể tự làm…
- Dạy con bằng cách làm mẫu cho con, không chỉnh sửa lỗi sai của con.
- Chỉ giúp đỡ khi con cần, không nhảy vào làm hộ khi thấy con gặp khó khăn hoặc làm chưa tốt.
Hằng Nguyễn